Để hồ sơ của bạn không trượt visa, hãy đọc kỹ bài viết này để chắc chắn rằng mình sẽ không mắc một trong những sai lầm sau đây.
1. Hồ sơ thiếu logic, thiếu trung thực
Table of Contents
Thiếu logic
Phần quan trọng nhất để làm một hồ sơ đầy đủ là việc lên lịch trình. Bạn cần biết rõ mình sẽ nhập cảnh nơi nào đầu tiên, thứ tự các điểm đến, mỗi điểm sẽ nghỉ lại mấy đêm… Một lịch trình đầy đủ và chi tiết sẽ giúp bạn chuẩn bị các yếu tố khác một cách logic, hợp lý: vé máy bay khứ hồi, booking khách sạn…
Nếu bạn xin visa Schengen từ Pháp, nhưng đềm đầu tiên lại đặt booking khách sạn tại Bỉ. Khả năng cao bạn sẽ rớt visa.
Nếu bạn xin visa Schengen từ Ý, nhưng vé máy bay khứ hồi của bạn lại đến và đi từ Pháp. Khả năng cao bạn sẽ rớt visa.
Hoặc vé máy bay của bạn đến Anh, nhưng khách sạn lại book ở Pháp… những lỗi thiếu logic như thế này chắc chắn sẽ khiến ĐSQ đặt câu hỏi về mục đích chuyến đi của bạn.
Thiếu minh bạch
Mọi thông tin được đưa vào hồ sơ cần có sự minh bạch và kết nối với nhau.
Ví dụ thu nhập của bạn là 10 triệu/tháng. Tiền mặt của bạn trong tài khoản có vài tỷ. Vậy thì bạn cần thêm giấy tờ chứng minh nguồn thu của mình, như được thừa kế, được chia cổ tức… Nếu không chứng minh được nguồn gốc khoản tiền lớn này thì hồ sơ của bạn cũng được xếp vào dạng thiếu minh bạch và đáng nghi ngờ.
Hoặc bạn booking khách sạn, nhưng khi chưa nhận được visa bạn đã huỷ phòng. LSQ hoàn toàn có thể kiểm tra bất cứ khi nào cho đến khi bạn nhận được visa. Nếu bạn e ngại việc mất phí nếu trượt visa, bạn hoàn toàn có thể booking những khách sạn có chế độ Free-Cancelation trên Booking.com.
Thiếu trung thực
Đây là điều vô cùng quan trọng đối với một hồ sơ.
Nếu bạn đang làm tự do và vẫn có thu nhập từ công việc đó. Hãy dùng các giấy tờ hỗ trợ để chứng minh. Đừng làm hồ sơ giả như hợp đồng lao động giả, vì lãnh sự sẽ gọi về công ty để kiểm tra. Thậm chí có thể yêu cầu nộp sổ bảo hiểm xã hội, việc này chỉ khi bạn có công việc thật sự thì họ mới đóng bảo hiểm xã hội cho bạn.
Nếu bạn đã ly hôn, cũng khai đúng sự thật. Đồng thời bổ sung những giấy tờ chứng minh tài chính, công việc, ràng buộc về con cái của bạn ở Việt Nam. Vì chỉ một lần khai không đúng sự thật, hồ sơ của bạn sẽ bị đánh dấu vì thiếu trung thực.
Bằng một cách nào đó đại sứ quán luôn có thể điều tra tính trung thực lời khai trên đơn của bạn. Từ nguyên quán chỗ ở đến những công việc bạn từng làm, người quen trên giấy tờ đều phải chính xác. Chỉ một lỗi thông tin cũng có thể khiến nhân viên kiểm chứng “đánh rớt” hồ sơ của bạn vì sự nghi ngờ.
2. Không nắm rõ hành trình của mình
Không lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi
Nhân viên tại LSQ luôn có những câu hỏi nhằm đánh giá bạn đã tìm hiểu những gì về xứ sở của họ trước cuộc đối thoại trực tiếp. Dù bạn có thu nhập cao nhưng không có kế hoạch cụ thể cho chuyến đi, mình sẽ làm gì, bằng cách nào, may mắn sẽ không mỉm cười với bạn.
Vì vậy trước khi nộp hồ sơ, đến dự buổi phỏng vấn visa hãy lên một kế hoạch càng chi tiết cho chuyến đi hoặc nắm chắc kế hoạch. Điều này không những giúp LSQ có thêm lòng tin về bạn còn giúp bạn tự tin và an tâm hơn khi đặt chân đến những vùng đất mới.
Lịch trình du lịch dù không phải là loại giấy tờ bắt buộc có trong hồ sơ xin visa du lịch nhưng góp phần quan trọng vào tỷ lệ xét duyệt visa. Bạn nên cung cấp lịch trình du lịch chi tiết, từ việc tham quan những đâu, ăn ở tại những nhà hàng quán ăn nào, di chuyển bằng những phương tiện gì. Các loại giấy tờ như booking vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn và bảo hiểm chuyến đi sẽ làm tăng khả năng đậu visa rất cao.
Không biết mình đang đi đâu, làm gì
Dù bạn có mua tour, cũng đừng bao giờ nói “Không biết, mua tour rồi cứ đi thôi”. Chắc chắn bạn sẽ cầm một vé trượt visa. Vì không nắm được lịch trình sẽ khiến nhân viên ĐSQ nghĩ bạn không có mục đích thực sự là đi du lịch.
Việc không biết gì về lịch trình cho thấy bạn rất mơ hồ, cũng không quá yêu thích du lịch, hoặc yêu thích đất nước mà nơi bạn sắp đến. Vậy thì lý do gì họ phải cấp visa do bạn?
3. Tài chính không hợp lý, quá ít hoặc quá dư
Thiếu tài chính
Tài chính là điều kiện tiên quyết. Bạn cần chứng minh được bạn có đủ tiền để trang trải trong suốt chuyến đi rồi quay về.
Ví dụ đi Châu Âu 1 tuần, chi phí dự kiến:
Tiền vé máy bay (2 chiều): 2 x 260 Euro = 520 Euro
Tiền lưu trú, sinh hoạt 7 ngày = 7 * 60 Euro = 420 Euro
Dự phòng cho các chi phí khác và chi phí phát sinh: 30% = 30*940/100 = 282 Euro
Tổng cộng: 1222 Euro.
Bạn cần chứng minh mình có số dư khả dụng, hay số tiền mặt bạn chi tiêu được ít nhất là 1222 Euro.
Tài chính dư thừa
Bạn trưng ra cho LSQ giấy tờ chứng minh tài chính của bạn với số dư khả dụng vài tỷ VNĐ, trong khi thu nhập của bạn chỉ có từ lương 10.000.000 VNĐ/tháng. Vậy thì LSQ hoàn toàn hoàn toàn có thể nghi ngờ bạn giả mạo giấy tờ tài chính.
4. Hộ chiếu trắng
Lịch sử du lịch không có hay còn gọi “hộ chiếu trắng” nghĩa là bạn chưa từng du lịch tới bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Cơ hội được cấp visa Mỹ, Châu Âu, Nhật… hầu như là 0 nếu đây là trường hợp của bạn.
Hãy bắt đầu từ các quốc gia Đông Nam Á (miễn visa). Sau đó là một số nước Châu Á yêu cầu cấp visa, nhưng hồ sơ lại rất dễ xin như Trung Quốc, hoặc đi theo tour như HongKong, Dubai… Cần có một lịch sử du lịch đủ mạnh để củng cố sự đáng tin cho hồ sơ của bạn.
Lưu ý:
Nếu bạn xin visa Mỹ: trong hộ chiếu nên có ít nhất 2 – 3 nước phát triển như các nước châu Âu (visa Schengen), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
5. Thái độ khi đi phỏng vấn
Tôi có nghe một câu chuyện bên lề thế này về việc đi phỏng vấn ở LSQ Mỹ: chỉ cần bạn bước chân vào LSQ, mọi nhất cử nhất động của bạn sẽ được đưa vào tầm ngắm. Bạn không tự tin, bạn bối rối, hay bạn cười đùa vô ý thức… tất cả sẽ được các nhân viên Lãnh sự soi từ a-z.
Câu chuyện trên không biết độ chính xác cụ thể như thế nào, nhưng sự thật là, thái độ rất quan trọng.
Trong cả hồ sơ xin visa và cuộc phỏng vấn, hãy tự tin nói toàn bộ sự thật, và không có gì khác ngoài sự thật. Nếu bạn cung cấp thông tin không chính xác (cố ý hay vô tình) bất kể thông tin đó có liên quan đến ứng viên hay không, bạn không chỉ có nguy cơ bị từ chối visa mà thậm chí bị các quốc gia cấm nhập cảnh lên đến 10 năm. Có thể nói rằng khi nộp đơn xin visa, sự trung thực chắc chắn là cách tốt nhất. Để có thể đậu visa, các câu trả lời của bạn cần rõ ràng, tự tin và thống nhất với hồ sơ đã nộp.
Một số câu hỏi thường gặp:
- Thời gian nhập cảnh vào, xuất cảnh đi khỏi 1 nước?: bạn cần trả lời đúng theo vé máy bay
- Bạn đã và sẽ đi đến những địa điểm nào, ở lại 1 nước bao nhiêu ngày?: cần trả lời theo đúng trình tự lịch trình
- Cách đây 3 năm bạn làm việc ở đâu, lương bao nhiêu, giám đốc hay người quản lý trực tiếp là ai? thời gian làm việc ở đó bao lâu?: cần trả lời đúng theo Hợp đồng Lao động
- Bạn có bà con, họ hàng gì ở Mỹ hay không?: nếu có hãy trả lời đúng, kèm tên thành phố
6. Không chứng minh được bạn sẽ quay về Việt Nam
Thực tế bản chất của việc cấp chính là kiểm tra, xét duyệt đương đơn có ý định nhập cư bất hợp pháp hay không. Việc chứng minh có mối quan hệ ràng buộc tại Việt Nam nhằm khẳng định bạn còn muốn quay trở về. Do đó, bạn cần chứng minh cho LSQ mình có nhiều ràng buộc ở Việt Nam như nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao, có chức vụ, đã có gia đình và con nhỏ.
Những ràng buộc về tài sản như nhà, đất, xe hơi… cũng là một điểm cộng rất lớn.
7. Nộp hồ sơ visa sai thời điểm
Mỗi nước đều có quota visa cấp hằng năm. Dù hồ sơ bạn tốt đến đâu, nhưng nếu bạn nộp vào thời điểm quota hạn chế như cuối năm (đã gần hết) hoặc mùa cao điểm (ví dụ Nhật Bản có mùa hoa anh đào), khả năng đậu visa cũng thấp hơn.
Có một bạn inbox hỏi mình về visa Nhật. Hồ sơ của bạn rất đầy đủ, cũng đã đi du lịch ở nhiều nước, trong đó còn có du học ở Anh. Thế nhưng, khi nộp hồ sơ visa Nhật vào tháng 4 – tháng cao điểm, hồ sơ vẫn không được duyệt. Nếu chuẩn bị cho chuyến đi Nhật lần đầu tiên, bạn hãy thử chọn giai đoạn thấp điểm hơn như mùa thu hoặc mùa đông nhé!
Với Châu Âu, thời điểm đẹp mà mọi người vẫn truyền tai nhau là sau Tết âm lịch, hoặc trước mùa hè (mùa cao điểm du lịch ở Châu Âu).
8. Nộp hồ sơ visa sai địa điểm
Lưu ý này áp dụng cho những bạn có ý định nộp hồ sơ visa Châu Âu. Nên tìm hiểu trước quốc gia nào trong Schengen cấp visa khó và dễ nhất, để lên kế hoạch, lịch trình phù hợp.
Hãy chọn điểm đến đầu tiên là Pháp hoặc Hà Lan. Vì đây nổi tiếng là hai quốc gia xét duyệt hồ sơ visa Schengen dễ thở nhất. Còn nếu bạn nộp hồ sơ đi Đức theo dạng du lịch hoặc thăm thân nhân thì khả năng rất cao, hồ sơ của bạn sẽ bị từ chối.
Xem thêm:
Du lịch Châu Âu – Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ visa & lên lịch trình 2022 (P1)
[…] Du lịch Châu Âu – Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ visa & lên lịch trình 2022 (P1) 8 điều cần tránh nếu bạn không muốn trượt visa […]